- +84.24) 3793 0898
04/11/2019
Sau một thời gian dài tìm hiểu, ông nhanh chóng “nổi tiếng” trong lĩnh vực này, vì được/và bị rất nhiều người nhờ xem hộ, từ chuyện cưới xin, xem nhà, xem đất, xem tướng…
Khi còn trẻ, như chính lời tâm sự của giáo sư Trần Quốc Vượng, sau một biến cố lớn của gia đình, ông đã để tâm nghiên cứu về tử vi học, bắt chước các thế hệ tiền bối đã đi trước như nhà bác học Lê Quý Đôn… và gần ông hơn cả, là cố giáo sư Nguyễn Văn Huyên.
Sau một thời gian dài tìm hiểu, ông nhanh chóng “nổi tiếng” trong lĩnh vực này, vì được/và bị rất nhiều người nhờ xem hộ, từ chuyện cưới xin, xem nhà, xem đất, xem tướng… đến tang ma. Ông nổi tiếng đến mức, mà ngài đại diện của hãng Siemens, khi có ý định mở cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội đã nhờ giáo sư “bấm” giờ mở cửa hàng.
Và, cách đây đôi ba chục năm, cứ năm hết tết đến, giáo sư Vượng lại nhận được rất nhiều đơn đặt hàng viết số Tết về Văn hóa con giáp cho đến đoán Vận khí năm tới. Và phần nhiều, những bài viết của giáo sư Vượng được độc giả đón nhận và hoan nghênh.
Tập sách “Lịch, tết, tử vi, phong thủy và 12 con giáp” là tập hợp những bài báo như trên. Theo lời của Ts Nguyễn Thị Bảy, thì nội dung cuốn sách là di cảo của giáo sư Vượng từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước cho tới khoảng hai năm trước khi giáo sư qua đời.
Những bài viết trong tập sách nhỏ này đa phần được đặt viết và do viết ngẫu hứng nên chưa bao giờ được giáo sư sắp xếp thành hệ thống. Tuy nhiên, cuốn sách cũng có thể chia thành ba phần:
Phần một: Tết và lịch pháp gồm 8 bài. Trong phần này, tác giả đã chứng minh, “cái Tết như hiện nay bắt đầu khoảng trước Công nguyên hơn 100 năm, từ đời Hán và có cội nguồn đan xen văn hóa Việt - Hoa”. Sau đó, ở một bài khác, tác giả đã lý giải rất hay “Triết lý giao thừa” - thời điểm thiêng liêng, khi năm cũ chuyển giao cho năm mới. “Đúng Giao thừa, là sự “nổ bùng” của đêm tối, sự “bùng dậy”, “sự thức tỉnh” của Đất - Trời, sử mở đầu của Năm mới, năm mới từ cái gì sinh ra? Duy lý nay thì bảo cái mới nảy sinh từ cái cũ, từ trong lòng cái cũ, đứt đoạn mà nối tiếp. Duy linh xưa thì quan niệm: đấy là kết quả của sự Giao phối, Giao hòa, của Trời (Cha) - Đất (Mẹ)… Cuộc giao phối thiêng liêng. Trong bài “Triết lý bánh chưng, bánh dày” tác giả đã có cách giải thích khác với thông thường: Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ sự tích bánh chưng bánh dày là tượng trưng cho trời tròn đất vuông, nhưng giáo sư Vượng lại nghĩ khác: “Bánh chưng tròn dài tượng dương vật, như cái chày, cái mõ. Bánh dày tròn dẹt tượng âm vật, như cái cối, cái nường. Đó là tín ngưỡng và triết lý nõ - nường, chày - cối, chưng - dày của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian”.
Kết thúc phần một, bằng những dẫn chứng từ lịch sử Trung Quốc và các tộc người khác, tác giả đã chứng minh lịch cổ truyền hay lịch 12 con vật là của miền Đông Nam Á cổ, không phải gốc của Trung Hoa hay Ấn Độ.
Phần hai: Văn hóa 12 con giáp gồm 15 bài viết, nhưng chỉ viết về 7 con giáp mà thôi: Sửu, Dần, Thìn, Ngọ, Tuất, Hợi. Phần này có thể làm cho một số bạn đọc thất vọng vì không có con giáp của mình, tuy nhiên, trái với lẽ thường, giáo sư Vượng khi viết về từng con giáp, lại chủ yếu tiếp cận từ góc độ văn hóa. Theo dõi phần này, bạn có thể biết con vật có nguồn gốc sinh học như thế nào, được con người thuần hóa từ bao giờ, và nó có mặt trong văn hóa Việt Nam như thế nào?
Phần ba: Phong thủy dân gian và tử vi gồm 4 bài viết. Phần này chiếm dung lượng ít trong tổng thể cuốn sách nhưng có lẽ là phần thú vị và tò mò nhất đối với bạn đọc. Ở phần này, tác giả đã chứng minh người Việt sau khi tiếp thu những lý thuyết về phong thủy và tử vi của Trung Quốc đã xây dựng cho mình những tri thức riêng về phong thủy và tử vi hoàn toàn phù hợp với điều kiện địa lý và khí hậu và con người nước ta. Trong các bài viết tác giả đã kể lại những trải nghiệm của bản thân và bạn bè về phong thủy, tử vi: từ xem đất, xem nhà, xem tuổi, xem tướng… cho đến việc cưới xin, tang ma, sau đó giáo sư đã đúc rút ra những “triết lý” rất “dân gian”. Theo giáo sư Vượng “Thuật phong thủy (xem hướng gió, hướng nước, hướng đất) đã có từ lâu…, đã có nhiều sách viết về phong thủy, không nên nhất thiết vứt đi không đọc, không tham khảo. Ở nước ta thì có cụ Tả Ao, đặt hướng nhà, hướng đất, hướng mộ… danh tiếng lẫy lừng, đáng được xem là danh nhân văn hóa… Vậy thái độ đúng đắn, theo tôi là cứ nên tham khảo. Song các cụ cũng dạy “Tận tín thư bất như vô thư” (Quá tin sách cũng chẳng thà đừng có sách). Triết lý cao nhất của tướng học là “Đức năng thắng số”. Về việc xem đất, các cụ cũng dạy: “Tiên tích đức, hậu tầm long” (Chứa đức trước, rồi hãy tìm đất). Tôi cho đó là bản chất nhân văn của mọi nghiên cứu các huyền vi của tạo hóa”.
Theo tôi, đó là một lời khuyên đáng để chúng ta suy ngẫm trong thời điểm năm hết tết đến.
Bình luận